ĐẶC ĐIỂM, CHỨC NĂNG, PHÂN LOẠI RƠLE
Nhiệm vụ của Rơ le?
Nhiệm vụ của các thiết bị bảo vệ rơ le là phát hiện và nhanh chóng loại trừ phần tử bị sự cố ra khỏi hệ thống điện nhằm ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả tai hại của sự cố. Ngoài ra, thiết bị bảo vệ còn ghi nhận và phát hiện những tình trạng làm việc không bình thường của các phần tử trong hệ thống điện. Tùy mức độ quan trọng của thiết bị điện mà bảo vệ rơ le có thể tác động đi báo tín hiệu hoặc cắt máy cắt điện.
Thiết bị tự động được dùng phổ biến nhất để bảo vệ các hệ thống điện hiện đại là các rơ le. Ngày nay, khái niệm rơ le thường dùng để chỉ một tổ hợp thiết bị thực hiện một hoặc một nhóm chức năng bảo vệ và tự động hóa hệ thống điện, thỏa mãn những yêu cầu kỹ thuật đề ra đối với nhiệm vụ bảo vệ cho từng phần tử cụ thể cũng như cho toàn bộ hệ thống.
Phân loại Rơ le
Rơ le là thiết bị chính trong hệ thống thiết bị bảo vệ Rơle để chỉ tác động chuyển mạch, chuyển trạng thái. Phần tử rơ le nhận một tín hiệu đầu vào (X) hay một số tín hiệu đầu vào (X1, X2, X3,…) thường là những tín hiệu tương tự, biến đổi và so sánh tín hiệu này với ngưỡng tác động để cho tín hiệu đầu ra (Y) dưới dạng xung rời rạc với hai trạng thái đối lập: có xung (trạng thái 1) và không có xung (trạng thái 0).
Trên thực tế tùy theo từng cách thức mà ta có thể phân loại những chiếc rơ le này. Có một số cách phân loại phổ biến như sau:
- Nguyên lí làm việc theo nhóm:
- Rơ le điện cơ, rơ le điện từ, rơ le điện từ phân cực, rơ le cảm ứng,…
- Rơ le nhiệt
- Rơ le từ
- Rơ le điện từ bán dẫn, vi mạch
- Rơ le số
-
Theo nguyên lí tác động:
- Rơ le có tiếp điểm: Tác động lên mạch bằng cách đóng mở các tiếp điểm
- Rơ le không tiếp điểm, rơ le tĩnh: Tác động qua việc thay đổi đột ngột các tham số của cơ cấu chấp hành mắc trong mạch điều khiển như điện trở, điện cảm, điện dung,…
-
Theo cách mắc cơ cấu:
- Rơ le sơ cấp: Mắc trực tiếp vào mạch điện cần bảo vệ
- Rơ le thứ cấp: Mắc vào mạch qua biến áp đo lường hay biến dòng điện
Theo đặc tính tham số: rơ le dòng điện, rơ le công suất, rơ le tổng trở,…
Theo giá trị, chiều các đại lượng đi vào rơ le: rơ le cực đại, cực tiểu, rơ le cực đại – cực tiểu, rơ le so lệch, rơ le định hướng,…