ĐẶC ĐIỂM CÔNG DỤNG DÂY DẪN ĐIỆN TRẦN, DÂY BỌC CÁCH ĐIỆN, CÁP ĐIỆN NGẦM
Dây dẫn điện trần
Dây dẫn điện trần dùng làm đường dây trên không, phổ biến nhất là dây nhôm lõi thép và dây nhôm. Dây đồng trần hiện nay ít được sử dụng do giá thành đắt, khả năng chịu kéo kém dây nhôm lõi thép. Khi dùng dây dẫn điện trần thì hành lang an toàn phải rộng nên tốn đất đai, do đó nó chỉ sử dụng cho vùng ngoài đô thị, tuyệt đối không dùng trong đô thị.
Dây nhôm lõi thép (ký hiệu AC) dùng cho các khoảng cách cột rộng, chịu lực căng lớn như vùng núi, vượt nhà ở,…. Loại dây này có 2 vật liệu: ở giữa là các sợi thép để chịu lực căng, bên ngoài là các sợi nhôm dùng để dẫn điện. Đường dây từ 110 kV trở lên luôn luôn dùng dây nhôm lõi thép.
Dây nhôm trần (ký hiệu A) chỉ dùng được cho các khoảng vượt nhỏ ở ngoài đô thị với cấp điện áp từ 35 kV trở xuống.
Dây bọc cách điện
Dây bọc cách điện cũng được dùng làm đường dây trên không, nó có ưu điểm là an toàn, khoảng cách hành lang an toàn lưới điện được giảm xuống do đó rất thuận lợi đối với khu vực trong đô thị. Nhược điểm của nó là đắt hơn so với dây trần.
Về cấu tạo, dây bọc cũng có thể dùng ruột bằng nhôm hoặc bằng đồng gồm nhiều sợi nhỏ ghép với nhau. Bên ngoài là một lớp bọc cách điện bằng PVC hoặc XLPE.
Vì nhiều lý do, trong đó có lý do về kinh tế, người ta thường dùng dây bọc cho cấp điện áp từ 35 kV trở xuống.
Cáp bọc cách điện chỉ dùng để lắp nổi, không thể chôn được trong đất như dây cáp điện ngầm do cách điện của nó chưa hoàn hảo, chưa có lớp bảo vệ cơ học khi có sự dịch chuyển của đất do chấn động.
Cáp điện ngầm
Cáp điện ngầm là loại dây dẫn điện đi ngầm dưới mặt đất, rất thích hợp với không gian chật hẹp của đô thị và những khu vực cần đảm bảo mỹ quan.
Ưu điểm loại cáp này là đảm bảo mỹ quan, an toàn trong vận hành. Nhược điểm là giá thành rất đắt (cả vật liệu lẫn chi phí thi công), khi sự cố khó sửa chữa.
Về cấu tạo gồm các lớp từ trong ra ngoài như sau: trong cùng là ruột dẫn bằng nhôm (hoặc đồng); kế tiếp là cách điện bằng XLPE hoặc PVC rất dày (dày hơn loại dây bọc cách điện); Lớp bảo vệ tác động cơ học bằng thép (hoặc bằng đồng) dưới dạng các sợi (hoặc dưới dạng tấm thép) mỏng; Ngoài cùng là lớp bảo vệ chống ẩm, chống trầy xước. Nếu là cáp ba pha thì giữa các pha còn có lớp độn để tránh các pha xê dịch khi có tác động cơ học.
Cáp ngầm khác với dây bọc ở chỗ nó có lớp bảo vệ cơ học và mức cách điện của cáp ngầm cao hơn dây bọc. Do cáp nằm dưới mặt đất, phía trên có các tải trọng cơ học như xe ô tô, các vật nặng như bê tông,… và do điều kiện thời tiết các lớp đất có thể biến dạng trượt gây ứng suất trên vỏ cáp, nếu chỉ có lớp nhựa bọc thì ứng suất này gây nứt vỏ bọc và nước ngầm chảy vào ruột dẫn điện gây chập mạch. Với cáp ngầm do có lớp thép bọc ngoài nên ứng suất trượt của các lớp đất đặt lên lớp bọc thép thì không có vấn đề gì. Đây là lý do không được phép sử dụng dây bọc làm dây cáp ngầm
Cáp ngầm hiện nay đã chế tạo được ở cấp điện áp 500 kV. Việt Nam cũng đã lắp đặt tuyến cáp ngầm 220 kV đầu tiên cung cấp điện cho Trạm biến áp 220kV Tao Đàn nằm ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Cáp ngầm từ 110 kV trở lên là loại vật tư đắt tiền, đòi hỏi công nghệ cao, quy trình lắp đặt và vận hành rất phức tạp.
Việc lựa chọn loại dây dẫn điện phải dựa vào nhiều yếu tố, đầu tiên phải dựa vào các quy định của pháp luật, sau đó dự vào tính kinh tế – kỹ thuật, tính mỹ quan, yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, yêu cầu của chủ đầu tư,….